
Home »
Microsoft đóng cửa kho sách và mảng tối của DRM - khi bạn mua nội dung nhưng không sở hữu thực sự
Hồi tháng 4 khi tung ra bản cập nhật Windows 10 Creator, Microsoft cũng đã chính thức đóng cửa kho sách trên Microsoft Store kể từ khi bổ sung danh mục này vào năm 2017. Tất cả sách người dùng đã mua trên Microsoft Store cũng sẽ biến mất khỏi thư viện. Thế nhưng chuyện này không hề lạ đối với nhiều dịch vụ tương tự, một bài nhạc hay một bộ phim trên iTunes bạn đã mua hay sách trên Kindle cũng có thể biến mất mà không báo trước.Shop Chuyên Bán Đồ Phong Thủy - Điện Thoại Cổ - Kính Mắt - Giao Hàng Toàn Quốc
Mua nhạc, phim, sách và một ngày đẹp trời mọi thứ biến mất:
Khi bạn bỏ tiền ra mua một cuốn sách, một bài nhạc hay một bộ phim trên các kho trực tuyến thì bạn thực tế không sở hữu nó mà bạn chỉ mua giấy phép (license - li-xăng) để được truy cập (xem, đọc, nghe ...) và giấy phép này có thể bị rút lại bất cứ lúc nào. Điều này xảy ra vì DRM - Digital Rights Management hay Quản lý quyền kỹ thuật số - một cơ chế mà các nền tảng bán nội dung số phải tuân theo nhằm kiểm soát sản phẩm kỹ thuật số mà họ bán. Chính vì DRM mà một khi nội dung bạn đã mua bị gỡ bỏ, bạn sẽ không có quyền đòi lại.
Không chỉ Microsoft, Amazon với kho sách khổng lồ đã từng gặp tình huống này, đáng nhớ nhất là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng 1984 của George Orwell biến mất khỏi Kindle vào năm 2009. Trước đó, Walmart cũng đã buộc phải đóng cửa kho bán nhạc MP3 của mình và giải pháp được chuỗi bán lẻ này đưa ra là yêu cầu người dùng đánh các bài nhạc ra đĩa CD, sau đó mới cung cấp tùy chọn tải xuống. Microsoft với việc gỡ toàn bộ sách thì hãng sẽ hoàn trả cho người dùng toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua sách cũng như trả thêm 25 USD nếu người dùng có đánh dấu hay ghi chú trên sách khi đọc qua trình duyệt Microsoft Edge.
"... Người tiêu dùng đổi tiền lấy sản phẩm bởi họ cần sản phẩm hơn tiền"
Aaron Perzanowski - giáo sư tại trường luật thuộc đại học Case Western, chủ biên cuốn sách The End of Ownership: Personal Property in the Digital Economy cho rằng: "Nói cách khác ít nhất người dùng sẽ lấy lại được số tiền đã bỏ ra mua những cuốn sách này. Tuy nhiên, người tiêu dùng đổi tiền lấy sản phẩm bởi họ cần sản phẩm hơn tiền. Tôi không nghĩ rằng việc hoàn tiền là đủ để khiến người dùng hài lòng."
Có lẽ không nhiều người mua sách điện tử từ Microsoft Store và đây cũng là lý do khiến hãng không ngần ngại khai tử kho sách này. Tuy nhiên, họ sẽ phải tìm lại những cuốn sách yêu thích trên những nền tảng khác, mua thêm một lần nữa và khả năng phải tìm một thiết bị mới để đọc nó (chẳng hạn như trước đây cuốn sách A mua trên Microsoft Store chỉ có thể đọc trên nền tảng Windows thì giờ đây khi mua lại cuốn sách A trên Amazon thì khả năng phải tìm cả máy đọc sách Kindle để đọc). Đối với một số dạng độc giả, đặc biệt là những luật sư và học giả thì việc đánh dấu và chú thích trên sách hiển nhiên có giá trị hơn 25 USD rất nhiều, không gì có thể bù đắp được.
Theo John Sullivan - giám đốc điều hành tổ chức phần mềm miễn phí (Free Software Foundation): "Một khi chúng ta hoàn thành một giao dịch thì không có nghĩa là bạn có thể tự nhiên thò tay vào túi của tôi và lấy nó (sản phẩm) ra, ngay cả khi bạn đã đưa tiền cho tôi. Điều này không tôn trọng sự tự do cá nhân."
Việc Microsoft đóng cửa kho sách và gỡ toàn bộ sách người dùng đã mua cũng phản ánh những nguy cơ tiềm ẩn của hệ thống DRM vốn là xương sống của hoạt động mua bán nội dung số. Mục tiêu ban đầu của DRM là nhằm tạo ra một phương thức để chống ăn cắp bản quyền nhưng DRM giờ đây chủ yếu đóng vai trò là một cách để trói buộc người dùng vào một hệ sinh thái thay vì cho phép người dùng đọc, xem hay nghe những gì họ đã mua bất cứ khi nào họ muốn. Đây là một vòng luẩn quẩn đã tồn tại trong nhiều thập niên nhưng vẫn chưa có giải pháp cải tiến.
Perzanowski nói: "Những chuyện như vậy liên tục xảy ra. Mỗi khi nó xảy ra thì có một sự tức giận xen lẫn thất vọng nhất thời, sau đó ai cũng buồn. Và rồi cuộc sống cứ thế tiếp tục cho đến lần tiếp theo, mọi người lại ngạc nhiên, lại thất vọng, cứ thế hết lần này đến lần khác mà không ý thức được rằng cần phải có gì đó để thay đổi sức mạnh vô hình này."
DRM - một đạo luật nhiều lỗ hổng:
Một trong những lý do khiến DRM vẫn tồn tại và duy trì quyền lực lớn của nó đó là nó gần như ẩn mình trước người dùng. Amazon và các kho sách khác có cung cấp các tựa sách không DRM nhưng không dễ để phân biệt. Một nghiên cứu của Perzanowski cho thấy "có một tỉ lệ lớn" người dùng nghĩ rằng khi nhấn vào nút Buy Now (mua ngay) thì họ sẽ được quyền sở hữu sản phẩm điện tử cũng như có thể cho mượn, gởi tặng … như sản phẩm vật lý.
Thêm vào đó hiện tại chưa có cơ chế thực thi pháp luật lập tức nào khi một nội dung DRM bị gỡ bỏ. Trước đây với vụ việc của Walmart, Ủy ban thương mại liên bang (FTC) đã can thiệp và tạo áp lực ngăn Walmart đóng cửa các máy chủ DRM hoàn toàn vào năm 2008 nhằm tạo điều kiện cho người dùng tải về những thứ họ đã mua. Tuy nhiên lần này với Microsoft, hãng cứ thế đóng cửa kho sách và hoàn tiền.
Không chỉ sách, nhạc hay phim, nhiều thứ khác đang bị DRM hóa. Chẳng hạn như Jibo - một con robot thông minh có giá đến 900 USD bỗng dưng "ngu" vì các máy chủ hỗ trợ hoạt động của nó bị đóng cửa. Tương tự như Nest Revolv - hub quản lý các thiết bị thông minh trong nhà sau khi Nest được Google mua lại cũng "tắt điện" máy chủ khiến FTC phải mở một cuộc điều tra Google về hành vi này.
Sullivan nói: "Đây là lý do mà chúng tôi gọi DRM trên nội dung số và thiết bị là một đạo luật có nhiều khuyết điểm về thiết kế hay có thể nói nó lỗi ngay từ đầu. Ý tưởng này ẩn chứa một cơ chế tự hủy hoại. Thế nhưng đây vẫn là cách phổ biến để phân phối nội dung số. Các công ty vẫn có thể rút phích cắm (ý nói đóng cửa máy chủ, gỡ bỏ nội dung người dùng đã mua) khiến chúng ta lại ngạc nhiên và lại bực bội."
Ít nhất với kho sách của Microsoft, hãng công bố hoàn trả toàn bộ tiền và tác động đối với người dùng không quá lớn bởi kho này khá là "ế". Thế nhưng lần tới chưa chắc Microsoft may mắn như vậy nếu thực hiện với một kho nội dung có lượng người dùng lớn hơn.
Theo: Wired



Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét