Những điều kỳ lạ về công nghệ trên thế giới
Thang cuốn ngắn nhất thế giới ở Nhật Bản
Thông thường, thang cuốn được lắp đặt để giúp mọi người dễ dàng lên xuống những tòa nhà cao tầng. Nhưng tại một trung tâm thương mại ở thành phố Kawasaki (Nhật Bản) có một chiếc thang cuốn chỉ cao 83 cm, tương đương với 5 bậc thang.
Theo tổ chức Guiness, đây là chiếc thang cuốn ngắn nhất thế giới. Tuy nhiên, Guiness chưa chính thức trao tặng danh hiệu kỷ lục cho chiếc thang này.
Đường sắt xuyên qua chung cư ở Trung Quốc
Ở Trùng Khánh, Trung Quốc có một đường sắt trên cao đi xuyên qua tầng 6 chung cư đã thu hút nhiều phản ứng khác nhau đến từ dư luận - từ sự ngưỡng mộ đến sự phẫn nộ.
Lý do cho giải pháp giao thông này là vì Trùng Khánh được biết đến là một “thành phố núi” với địa hình không bằng phẳng, bên cạnh đó những tòa nhà cao tầng đã quá nhiều. Việc tăng dân số khiến quỹ đất, đường sá bị giới hạn. Trong trường hợp này, giải pháp đi xuyên qua được áp dụng và phát huy hiệu quả. Quan chức thành phố cũng cho biết, thiết kế đường sắt độc đáo này là một canh bạc nhưng thành công của nó đã giúp gỡ gạc lại rất nhiều thứ và phù hợp với tốc độ phát triển chóng mặt của thành phố.
Không thể tắt âm chụp ảnh ở Nhật
Kể từ năm 2008, khi chiếc iPhone 3Gs ra mắt tại thì trường Nhật Bản thì chiếc điện thoại này đã được tinh chỉnh để phát ra âm thanh chụp ảnh và chụp ảnh màn hình rất lớn. Thông thường, người dùng có thể tắt tiếng ồn đi nếu muốn. Nhưng ở Nhật Bản thì âm thanh này là yêu cầu bắt buộc, ngay cả khi máy được chuyển sang chế độ im lặng.
Nguyên nhân cho những âm thanh chụp ảnh này là để bảo vệ sự trong sáng của cộng đồng, ngăn chặn việc ghi hình bí mật hoặc xâm phạm quyền riêng tư của người khác.
Tuy chính phủ Nhật Bản chưa hề đưa ra bất kỳ quy định pháp lý nào để bắt các nhà sản xuất điện thoại (hay smartphone) phải thiết lập âm thanh chụp ảnh lớn trên sản phẩm của họ. Nhưng đến nay, các nhà sản xuất điện thoại và nhà mạng Nhật Bản vẫn hợp tác để đảm bảo điện thoại bán ra phải có âm thanh khi ghi hình (chụp ảnh và quay video) và chụp ảnh màn hình.
MC ảo trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc
Bộ phận MC ảo trí tuệ nhân tạo (AI) này hiện tại đã có 3 thành viên (2 nam và 1 nữ), họ đang làm việc cho hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.
Đây là sản phẩm do Tân Hoa Xã cộng tác với công ty công cụ tìm kiếm Sogou sản xuất. MC AI có thể làm việc 24 giờ mỗi ngày, có thể đọc văn bản tự nhiên như một người dẫn bản tin chuyên nghiệp. Tuy nhiên, giọng nói với nặng tính tổng hợp và nhân tạo rõ nét và vẫn gặp khó khăn trong việc thể hiện các sắc thái trong phát âm.
Ngôi sao nhạc Pop ảo ở Nhật Bản
Nếu ở Trung Quốc vừa có MC ảo, thì Nhật Bản đã có ca sĩ ảo từ nhiều năm trước. Cô ca sĩ ảo này có tên là Hatsune Miku, tuy là một sản phẩm ảo của công nghệ nhưng những thành công và lượng fan khổng lồ của Miku đều rất thật.
Với mái tóc xanh màu kẹo ngọt dài đến đầu gối, đôi mắt to tròn đậm chất anime cùng giọng hát trong trẻo cao vút, ngay từ khi ra đời Hatsune Miku đã được định hình sẽ trở thành một công chúa nhạc pop đúng nghĩa.
Tưởng chừng đây chỉ là trào lưu bất chợt cũng như bao công nghệ khác. Nhưng không. Đã 10 năm trôi qua kể từ lần đầu xuất hiện, Hatsue Miku vẫn thuộc top nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản. Lượng bài hát được Miku trình bày đã lên đến hàng trăm nghìn.
Hình ảnh của cô tràn ngập các trang web và trên đường phố. Số lượng người hâm mộ cứ tăng theo từng ngày. Một kỷ nguyên ngôi sao mới đã được hình thành tại Nhật Bản.
Luật cấm các trò chơi điện tử ở Hy Lạp
Chính phủ Hy Lạp đã cấm tất cả các trò chơi điện tử trên khắp đất nước kể từ năm 2002. Quốc gia này lo ngại rằng khó kiểm soát cờ bạc, nên đã cấm tất cả các trò chơi điện tử trên máy tính. Bạn phải vào tù nếu bạn đang chơi trò chơi điện tử bao gồm cả bên ngoài công cộng hay trong chính ngôi nhà bạn.
Cấm máy chơi game console ở Trung Quốc
Vào năm 2000, Trung Quốc cho rằng trẻ em và thanh thiếu niên đang lãng phí quá nhiều thời gian vào các trò chơi điện tử. Vì vậy, chính phủ nước này quyết định cấm chơi game để hy vọng giới trẻ tập trung học tập và làm việc chăm chỉ hơn. Ngoài ra, Bắc Kinh từng coi nội dung bạo lực của các trò chơi làm tăng nguy cơ suy đồi về đạo đức. Các điều luật đặt ra cũng hạn chế tối đa việc sản xuất và quảng cáo game và máy chơi game console.
Tuy nhiên, lệnh cấm này của chính phủ Trung Quốc không thể ngăn cản những người dân muốn chơi game. Một số người đã tìm cách nhập lậu những máy chơi game từ các cửa hàng tại Hong Kong và Nhật Bản. Trong khi, nhiều người khác đã chuyển sang PC game.
Đến năm 2015, khi lệnh cấm được gỡ, các công ty như Sony hay Microsoft đã bắt đầu bán các loại máy chơi game tại các trung tâm thương mại ở Thượng Hải và sau đó có mặt ở khắp cả nước.
Như Quỳnh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét