Đánh giá Realme 5 Pro: 4 điều Yêu 3 điều Không thích
Sau những thành công đáng mong đợi, Realme tiếp tục ra mắt series thứ 5 tại thị trường Việt Nam với hai phiên bản Realme 5 và Realme 5 Pro. Về cơ bản, cả hai sản phẩm đều có ngoại hình khá tương đương nhau, và sự khác biệt lại nằm ở phần cấu hình bên trong. Realme 5 Pro mang đến cho người dùng lựa chọn cao hơn, hưởng nhiều ưu thế hơn với mức giá chỉ chưa đến 6 triệu đồng.
Khác với những bài đánh giá trước đây, tôi sẽ chia bài cảm nhận cá nhân này ra thành 2 phần, bao gồm những điểm thích và không thích ở chiếc điện thoại này. Mời quý độc giả cùng xem.
Dưới 6 triệu đồng, những gì mà Realme 5 Pro khiến tôi hài lòng?
1/ Thiết kế trẻ trung, lạ mắt
Trước đây những chiếc điện thoại đến từ các hãng Trung Quốc bị đánh giá là theo chân Apple khi có những sản phẩm copy iPhone qua từng năm. Tuy nhiên, định kiến đó đã hoàn toàn thay đổi khi càng ngày các hãng này càng tập trung vào đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Cụ thể chúng ta có thể thấy những đổi thay từ Xiaomi, Oppo, Huawei, Vivo…, với những "đứa con" chào đời với một loạt sáng tạo mới như màn hình tràn viền hoàn toàn nhờ áp dụng module camera selfie thò thụt, hay mặt lưng có các gam màu độc lạ, thậm chí là camera cũng đi trước về số lượng lẫn tính năng so với Apple.
Realme cũng không là ngoại lệ, ban đầu nhắm đến đối tượng người dùng giá rẻ, sẵn sàng cắt bỏ để giảm bớt chi phí, thế nhưng với chiếc 5 Pro cầm trên tay, tôi đã phải suy nghĩ lại về điều này.
Mặt lưng là thứ đầu tiên khiến tôi ấn tượng nhất trên sản phẩm này. Với hoa văn pha lê độc đáo, Realme 5 Pro tạo cảm giác thích thú và mới lạ khi cầm trên tay. Suốt những ngày cầm điện thoại trải nghiệm, không ít những người bạn hỏi rằng đây là sản phẩm nào mà đẹp vậy, kèm theo đó là sự bất ngờ khi biết được đó chỉ là chiếc điện thoại tầm trung với thiết kế chỉ làm từ nhựa chứ không phải bằng kính.
Điều này có thể thấy rõ, độ hoàn thiện của Realme 5 Pro quá tốt, đến nỗi khi ai nhìn qua hoặc chạm vào lần đầu đều nghĩ rằng nó là sản phẩm cao cấp. Với tôi, mục đích gây ấn tượng ban đầu của hãng này đã thành công.
2/ Nhiều lựa chọn tiêu cự chụp ảnh trên một thân máy tầm trung
Không khó để thấy nhiều camera đang là trào lưu trên smartphone ngày nay. Realme cũng là một trong những hãng bắt trend rất tốt và tìm cách đem đến trải nghiệm mới cho người dùng tầm trung.
Không cần một chiếc điện thoại đắt tiền, Realme 5 Pro vẫn trang bị 4 camera sau, cung cấp dải tiêu cự từ siêu rộng, tiêu chuẩn và tele (zoom số). Thậm chí, nếu ai thích chụp macro thì chiếc điện thoại này cũng đáp ứng được điều đó với camera macro với khả năng chụp cận 4cm.
Trải nghiệm chất lượng camera, Realme 5 Pro mang đến chất lượng khá ấn tượng, nếu so với những gì mà họ làm từ các sản phẩm đầu tiên thì rõ ràng đã có sự cải tiến rất nhiều. Một điểm đáng nói là Realme 5 Pro không trang bị camera tele quang học, mà thay vào đó mang đến giải pháp zoom kỹ thuật số, nhưng khả năng tái tạo màu, độ nét vẫn được giữ khá tốt.
Một trong những tính năng mà tôi thích nhất trong chiếc điện thoại này chính là bộ lọc màu ở chế độ chụp chân dung, nó mang đến những nét mới mẻ hơn thay vì chỉ tập trung vào việc xóa phông cang-nhiều-càng-tốt. Thật sự mà nói, dùng hết những filter màu này trên Realme 5 Pro cũng đã quá đủ để bạn up Facebook mà không càn đến ứng dụng thứ 3 làm gì nữa.
3/ Giao diện mượt mà hơn, thao tác vuốt điều hướng giúp cầm máy bằng 1 tay vô cùng thoải mái
Xuyên suốt những ngày dùng thử, từ việc lướt Facebook, chụp ảnh, mở các ứng dụng chỉnh ảnh hay thậm chí là chơi game… đều diễn ra rất mượt mà trên Realme 5 Pro. Kể từ khi sử dụng vi xử lý của Qualcomm, như Realme 3 Pro chẳng hạn, tôi đã thấy sự ổn định rõ rệt trên sản phẩm của hãng này.
Asphalt 9 hay Pubg Mobile là những tựa game tôi thường lựa chọn để giải trí, và hiện tượng giật lag xảy ra rất ít. Tuy nhiên, chính do cấu hình chỉ đạt mức tầm trung nên chất lượng đồ họa sẽ bị giảm xuống, ví dụ như các đường nét, chi tiết mô phỏng trên những chiếc xe sẽ có răng cưa và hiệu ứng có thể không "phê" bằng (so với vi xử lý tầm cao).
Thực tế thì với người đang sử dụng điện thoại cao cấp như tôi và chuyển sang dùng song song với chiếc Realme 5 Pro này mới thấy sự khác biệt trong đồ hoạ, còn với những ai đang muốn nâng cấp từ đời Realme trước, hoặc từ các sản phẩm tầm trung khác chuyển sang thì sẽ thấy được sự cải thiện và hài lòng hơn.
Bên trong phần cài đặt của Realme 5 Pro có sẵn mục cho lựa chọn kiểu phím điều hướng, và nếu bạn là người thích dùng điện thoại bằng một tay như tôi, đừng ngần ngại mà hãy chọn ngay "Phím ảo".
Thao tác sử dụng kiểu điều hướng này khá tiện lợi, như vuốt từ dưới lên để bật các cửa sổ ứng dụng đang chạy, hay vuốt thanh bar sang trái/phải để chuyển nhanh các ứng dụng. Với kích thước màn hình 6,3 inch vừa đủ cộng với phương pháp vuốt cử chỉ điều hướng này, việc sử dụng Realme 5 Pro bằng một tay là vô cùng thoải mái, không có tình trạng rướn ngón tay nữa.
4/ Sạc nhanh VOOC 3.0 20W
Thật thiếu sót nếu không nhắc đến công nghệ sạc nhanh VOOC 3.0 được đưa vào chiếc điện thoại này. Qua lần sạc gần nhất mà tôi ghi nhận được, Realme 5 Pro được nạp pin từ 20% lên đến 100% trong vòng 1 giờ 09 phút khi được sử dụng bộ sạc và cáp kèm theo. Với tốc độ sạc này, Realme 5 Pro có thể đáp ứng được nhu cầu nạp pin gấp, nhất là khi đang ở giai đoạn pin thấp sẽ được nhồi nhanh hơn để người dùng có thể tiết kiệm thời gian chờ đợi.
Vậy không hài lòng ở những điểm nào?
1/ Mặt lưng đẹp… nhưng lại quá dễ bẩn
Không thể phủ nhận mặt lưng của Realme 5 Pro thiết kế rất bóng bẩy, tạo cảm giác sang trọng khi cầm trên tay. Tuy nhiên cũng chính vì làm vật liệu quá sáng bóng nên việc bám vân tay vào chỉ sau vài phút sử dụng là điều không thể tránh khỏi.
Tất nhiên sẽ có người quen với việc này và có người sẽ không chấp nhận được, vì vậy hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn nó, một là "sống chung với lũ" như bao điện thoại mặt lưng bóng loáng khác, hoặc hai là bạn có thể dùng ốp lưng trong suốt kèm theo nhưng chắc chắn sẽ làm giảm bớt đi phần nào vẻ đẹp của máy.
2/ "Mặt tiền" cần được xem lại
Nói đến màn hình, gần như tôi không có gì phải phàn nàn, từ kích thước đủ lớn cùng với độ phân giải cao giúp cho việc trải nghiệm hình ảnh được tốt hơn, cho đến độ sáng đủ dùng cho mọi trường hợp kể cả ngoài trời nắng.
Tuy nhiên, thứ mà tôi không thích và cảm thấy khó chịu chính là phần cằm quá dày, giá như Realme "gọt" bớt thì phần mặt trước của máy sẽ trông cân đối hơn. Nếu khen về độ thẩm mỹ của mặt sau thì rõ ràng phần "mặt tiền" của Realme 5 Pro cần phải được xem lại.
3/ Rung phản hồi của máy có gì đó hơi dị thường
Từ trước đến nay, tôi thường hay bật tính năng rung phản hồi trên bàn phím ảo để mỗi lần gõ tạo cảm giác thích thú hơn, thậm chí nó còn góp phần để tôi có thể gõ nhanh và chính xác hơn. Thế nhưng, từ khi dùng Realme 5 Pro, tôi đã phát hiện ra tính năng rung phản hồi của máy có gì đó hơi "dị" và hơi giả.
Có lẽ do bản thân quá nhạy cảm nên tôi thấy độ nẩy của nó khá mạnh, như đang có hàng trăm cái lò xo phía bên dưới lớp màn hình, từ đó tạo cảm giác tê các đầu ngón tay khiến việc gõ trở nên chán nản. Và tất nhiên đây chỉ là vấn đề cá nhân, khá nhỏ, cũng như ta có thể giải quyết được bằng cách tắt tính năng này đi.
Tổng kết
Có thể nói Realme 5 Pro mang đến cho tôi nhiều cảm xúc khi sử dụng hơn một số máy tầm trung khác trên thị trường. Ở mức giá dưới 6 triệu, nó khiến tôi khá bất ngờ với những tính năng như nhiều camera, nhiều filter màu, cấu hình ổn định mượt mà, sạc nhanh VOOC 3.0 và trên hết là hoa văn ở mặt lưng rất bắt mắt.
Mặc dù vẫn có một vài khiếm khuyết nhỏ khiến cá nhân tôi chưa thật sự thích nghi được, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta khó có thể đòi hỏi được thêm sự hoàn hảo ở một chiếc máy tầm giá như vậy.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét