Apple không thể sản xuất iPhone và máy tính tại Mỹ chỉ vì... con ốc vít
Bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng trở nên căng thẳng và tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tìm cách ép buộc Apple phải chuyển các nhà máy lắp ráp sản phẩm của mình từ Trung Quốc về Mỹ, tuy nhiên Apple vẫn nhất quyết không sản xuất các sản phẩm của mình tại Mỹ.
Lý do cho quyết định cứng rắn này của Apple đơn giản hơn nhiều người nghĩ đến, đó là... những con ốc vít bé nhỏ.
Năm 2012, CEO Tim Cook của Apple đã có bài phát biểu trên truyền hình để thông báo rằng Apple sẽ sản xuất máy tính tại Mỹ, đó là chiếc máy tính Mac Pro. Đây là sản phẩm đầu tiên của Apple trong nhiều năm được sản xuất và lắp ráp bởi các công nhân ở Mỹ, thay vì ở Trung Quốc như nhiều sản phẩm khác.
Tuy nhiên khi bắt tay vào sản xuất Mac Pro tại nhà máy đặt ở thành phố Austin (bang Texas, Mỹ), Apple mới bắt đầu gặp phải rắc rối. Theo 3 nguồn tin từng làm việc trong dự án sản xuất máy tính tại Mỹ của Apple tiết lộ cho tờ báo The New York Times thì Apple đã phải rất chất vật để tìm kiếm đủ ốc vít đáp ứng được tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình.
Apple hoàn toàn không gặp vấn đề này khi lắp ráp sản phẩm tại Trung Quốc khi các nhà máy cung ứng ở Trung Quốc có thể sản xuất ra số lượng lớn ốc vít tùy chỉnh đáp ứng tiêu chuẩn của Apple trong một thời gian ngắn. Tại Texas thì điều này lại không thể thực hiện được do thiếu các nhà cung cấp ốc vít số lượng lớn và đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn.
Nguồn tin cho biết việc thiếu hụt ốc vít là một trong những nguyên do khiến cho Apple buộc phải trì hoãn bán sản phẩm ra thị trường trong nhiều tháng. Có thời điểm, Apple đã buộc phải đặt hàng ốc vít từ Trung Quốc để có thể đảm bảo dây chuyển sản xuất được vận hành hoàn chỉnh.
Những thách thức mà Apple gặp phải ở Texas đã giúp Apple nhận ra rằng không một quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc có thể kết hợp đầy đủ giữa cơ sơ hạ tầng, chi phí, nguồn nhân công cũng như quy mô sản xuất...
Một giám đốc điều hành khác của Apple đã tiết lộ với tờ báo The New York Times rằng hiện Apple đang tìm cách để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình để giảm sự phụ thuộc quá nặng nề vào Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng có thể gây nên những bất lợi cho Apple. Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia được Apple nhắm đến để thay thế Trung Quốc trở thành nơi lắp ráp sản phẩm chính cho hãng.
Trên thực tế các sản phẩm của Apple, bao gồm iPhone, iPad, MacBook, máy tính Mac... được lắp ráp từ nhiều linh kiện được sản xuất từ khắp nơi trên thế giới, trong đó khâu lắp ráp cuối cùng để ra sản phẩm hoàn thiện là công đoạn tốn nhiều công sức nhất và Apple lựa chọn Trung Quốc, nơi đáp ứng được nhiều tiêu chí, để thực hiện quá trình này.
Một nguyên do khác khiến Apple vẫn tiếp tục sản xuất sản phẩm của mình ở Trung Quốc thay vì chuyển về Mỹ đó là giá nhân công, khi lương trung bình cho một công nhân làm việc trong nhà máy lắp ráp sản phẩm của Apple là khoảng 3,15USD/giờ, rẻ hơn nhiều so với lương trung bình công nhân làm các công việc tương tự tại Mỹ.
Ngoài ra, công nhân tại Mỹ chỉ làm đúng số giờ làm việc mỗi ngày, trong khi đó các công nhân tại Trung Quốc sẵn sàng làm việc thêm giờ nếu cần thiết, thậm chí họ sẵn sàng bỏ qua thời gian nghỉ ngơi để đáp ứng mục tiêu sản xuất. Và đây là điều mà Apple rất cần, đặc biệt khi các sản phẩm mới được ra mắt và đang được tiêu thụ tốt, cần một số lượng lớn sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Trung Quốc không chỉ có nhân công giá rẻ, mà đó còn là nơi mà 100.000 công nhân sẵn sàng làm việc cả đêm cho công ty của mình”, Susan Helper, Giáo sư kinh tế tại trường đại học Case Western Reserve (thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ) và từng làm việc tại Bộ Thương mại Mỹ, nhận định. “Đây là một phần thiếu yếu của chiến lược cung cấp sản phẩm”.
Giáo sư Helper cũng nhận định rằng Apple có thể chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ và sản xuất nhiều sản phẩm tại Mỹ hơn bằng cách đầu tư tiền bạc và thời gian một cách đáng kể vào dây chuyền sản xuất robot tự động thay vì phụ thuộc vào số lượng lớn công nhân làm việc như hiện nay. Bà Helper cũng cho rằng chính phủ Mỹ cũng cần phải cải thiện đào tạo nghề và thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng để tạo điều kiện cho những công ty như Apple quay về sản xuất tại Mỹ.
Tuy nhiên giáo sư Helper cũng thừa nhận rằng cơ hội để tất cả những điều này xảy ra là rất thấp.
Hiện tại Apple vẫn đang lắp ráp chiếc máy tính Mac Pro tại nhà máy ở thành phố Austin (bang Texas) bởi vì Apple đã đầu tư khá nhiều vào nhà máy này. Nhưng trên thực tế Mac Pro hiện đang là chiếc máy tính có giá đắt đỏ nhất của Apple nhưng doanh số bán hàng lại chậm chạp và dường như Apple đang muốn “bỏ rơi” chiếc máy tính này khi không giới thiệu thêm phiên bản nào mới từ năm 2013.
Tháng 12/2018, Apple cho biết sẽ tuyển dụng thêm 15.000 nhân công tại thành phố Austin, tuy nhiên có vẻ như các nhân viên này sẽ làm công việc khác, thay vì để lắp ráp sản phẩm cho Apple.
T.Thủy
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét